Tinh dầu tràm trà được chiết xuất từ cây tràm trà –Melaleuca alternifolia là loài cây bản xứ ở Úc, tên được ghép từ 2 âm trong tiếng Hy Lạp: “Melas” (đen) và Leukos (trắng).
Hẳn là ít nhiều các nàng đã nghe đến tinh dầu tràm trà. Vậy thì bạn có biết loại tinh dầu này là gì và nó có công dụng gì với làn da bạn gái không?
Nếu vẫn còn “quay cuồng trong mơ hồ” về loại tinh dầu này, hãy cùng mình đọc bài viết này để hiểu thêm nhé.
Nguồn gốc tinh dầu tràm trà
Tràm trà là một loài cây thân gỗ hoặc thân bụi, cao từ 2 – 30m, dùng để sản xuất tinh dầu tràm trà ở Úc và một số quốc gia trên thế giới.

Trước năm 2006, loài cây này được xem là bí mật quốc gia của Úc. Hiện nay, 97% tinh dầu thương phẩm được sản xuất từ các khu trồng Tràm trà thuộc miền bắc New South Wales và Atherton của Queensland.
Úc là đất nước có lịch sử 60 năm trong sản xuất tinh dầu tràm trà. Đồng thời các nhà khoa học nước này cũng có nhiều công trình nghiên cứu nhằm mục đích cải thiện giống cho loài cây này.
Loại tinh dầu này được ứng dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm, thuốc thoa ngoài da và tinh dầu dùng xông hơi.
Tràm trà du nhập vào Việt Nam lần đầu vào năm 1986 ở Trạm Dược liệu Văn Điển. Dần dần, nó được trồng ở một số vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp tại miền Bắc và miền Nam nước ta.
Thành phần của tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà có hình thức vật lý là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt. Tinh dầu có mùi thơm đặc trưng, mang đến cảm giác thư giãn, dễ chịu khi ngửi.
Thành phần hóa học gồm 28 – 30 hợp chất khác nhau, trong đó chủ yếu là:
- Terpinen-4-ol (46,6%): nguyên liệu dùng để sản xuất các loại thuốc sát khuẩn và nấm đặc hiệu dưới dạng thuốc bôi hoặc hít ngửi bay hơi
- Cineol (1,8 – 2,4%): có mùi thơm mát, hơi cay, được dùng trong dược phẩm – y tế, nước hoa – mỹ phẩm và trong các sản phẩm xua đuổi côn trùng. Ngoài ra, đây còn là chất phụ gia cho thuốc lá
- Terpinenen chiếm 10 – 25% và Terpinene chiếm 18,6 – 23,65%
Cơ chế hoạt động của tinh dầu tràm trà
Các hoạt chất trong tinh dầu tràm trà có khả năng giết chết các loại vi khuẩn gây mụn, gây nấm và giúp giảm phản ứng dị ứng da.
Nhờ đó mà tinh dầu này được sử dụng phổ biến trong ngành mỹ phẩm, làm đẹp, nhất là trong các sản phẩm trị mụn.